Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2022 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 5-1 tại đầu cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi điểm lại những kết quả tích cực sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ 4.
Theo chủ tịch UBND TP, tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 381.000 tỉ đồng (đạt 104,5% dự toán), thu hút FDI đạt 7,23 tỉ đôla (bằng 138,6% so với năm 2020), kiều hối đạt 6,6 tỉ USD, xuất khẩu tăng 2,8%, nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2022.
Tại hội nghị, chủ tịch UBND TP báo cáo 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ tập trung trong thời gian tới.
Thứ nhất, TP triển khai chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ phù hợp với thực tiễn của TP. Trong đó tập trung giám sát và xử lý đối với biến chủng mới Omicron.
Triển khai thực hiện chiến lược y tế trên địa bàn TP với 6 giải pháp trọng tâm như bao phủ vắc xin đến từng người, quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, tại bệnh viện, nâng cao năng lực phòng chống dịch.
"Nhân đây, TP kiến nghị Chính phủ sớm cho phép sản xuất và lưu hành rộng rãi thuốc kháng virus" - ông Mãi nói.
Thứ hai, triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực.
Theo ông Mãi, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 trong năm 2022 và giai đoạn 2 thực hiện trong 3 năm từ 2023 đến 2025.
Đối với gói hỗ trợ tài khóa và tín dụng Quốc hội đang xem xét thông qua, ông Mãi đề nghị Chính phủ cho phép TP nghiên cứu vận dụng vào thực tiễn theo hướng bổ sung phần ngân sách địa phương vào các gói hỗ trợ phù hợp với tình hình khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, đề nghị các bộ ngành sớm hướng dẫn thực hiện ngay khi được Quốc hội thông qua để các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị gắn với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ có hiệu quả các nguồn vốn.
Trong đó, TP.HCM kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương, nhất là lĩnh vực phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch - cấp phép các khu đô thị, khu công nghiệp…
Thứ tư, tập trung nguồn lực triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị và kết nối tuyến metro số 1 và 2, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, vành đai 3…
"Đề nghị Chính phủ sớm giao trách nhiệm cho cơ quan nhà nước thẩm quyền địa phương và hướng dẫn chọn hình thức đầu tư khả thi nhất, ưu tiên bố trí nguồn vốn sớm khởi công xây dựng đường vành đai 3. Đây là công trình giao thông có ý nghĩa đột phá để phát triển vùng kinh tế động lực phía Nam" - ông Mãi nói.