CÔNG TÁC XÃ HỘI - NGHỀ CỦA LÒNG NHÂN ÁI

Nguyễn Thu Dung

Công tác xã hội là nghề nhân văn, là chiếc cầu nối nhân đạo, giúp đỡ những hoàn cảnh yếu thế trong xã hội. Để làm tốt công tác này thì có kiến thức kỹ năng thôi cũng chưa đủ, mà còn cần phải có cái tâm với cộng đồng, nhất là phải chấp nhận những rủi ro để cống hiến hết mình cho xã hội.

xa-hoi-1711461622.JPG

Khi chọn công việc chăm sóc những bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm công tác xã hội Tỉnh Vĩnh Long, chị Bùi Phương Phi và anh Trần Vũ Kiệt đã xác định đây một công việc vất vả, đòi hỏi người làm phải thực sự là những người hiểu nghề, yêu nghề, có tấm lòng nhân ái và tình thương yêu thật sự.

Chị Bùi Phương Phi, Nhân viên Công tác xã hội – Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long.  

“Mình làm thời gian mình bắt đầu mình quen mình cảm thấy rất thương mến đối tượng như là người thân của mình vậy. Khi mình có công việc mình nghỉ dài ngày không vào cơ quan mình cảm thấy mình nhớ những người đó và những người bệnh đó người ta cũng vẫn nhớ mình vô gặp mình rất là vui như ở đây là một gia đình thứ hai của tôi.”

Anh Trần Vũ Kiệt, Nhân viên Công tác xã hội – Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long. 

“Dùng tình cảm của mình chăm lo cho những người bệnh ở đây. Mình cũng thấy vui khi mà họ bớt được bệnh như là thuyên giảm họ tái hòa nhập với gia đình, đó cũng là động lực cho bản thân mình.”

Hình ảnh ở những nhân viên công tác xã hội là sự tận tình, chu đáo, kiên trì, nhẫn nại. Dù khó khăn, cực nhọc nhưng họ luôn tự hào về nghề nghiệp cũng như cống hiến hết mình cho sự gắn kết, chăm lo cho những người kém may mắn. Khó có thể đong đếm được sự vất vả của những người làm nghề này.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, Nhân viên Công tác xã hội – Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long. 

“Khi mà mình dạy trẻ thí dụ như trẻ tiến bộ một chút nhỏ thôi cũng là sự cố gắng rất là lớn của trẻ và lập tức là chia sẻ với phụ huynh liền cũng giống như là đem khoe cái niềm vui đó để phụ huynh họ cũng vui với mình luôn.”

Chị Nguyễn Thị Thuý Liễu, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn.

“Là phụ huynh của bé học ở đây cũng rất cảm ơn mấy cô đã nhiệt tình chăm sóc rất là chu đáo. Ở nhà chỉ có một bé thôi nhưng mà dạy và chăm sóc thì rất là mệt nhưng mà ở đây thì có rất nhiều bé các cô cũng đã hoàn thành tốt công việc của mình nên cảm thấy nếu muốn gắn bó với nghề này thì phải có một tấm lòng yêu trẻ và phải có tâm với nghề thì mới dạy được”

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 80 viên chức và người lao động thực hiện nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 210 người cao tuổi không nơi nương tựa, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và người mắc bệnh tâm thần. Với phương châm: Trung tâm là nhà, đối tượng bảo trợ là người thân, thời gian qua các nhân viên ở Trung tâm luôn làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình bằng tình thương, bằng trách nhiệm nghề nghiệp.

Ông Võ Văn Tấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long.

“Nghề công tác xã hội là một cái nghề rất là đặc biệt, có rất nhiều kỹ năng, thì tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể thì người làm công tác xã hội họ sẽ sử dụng cái kỹ năng nào cho nó phù hợp để có thể phát huy tối đa cái vai trò của mình trong hoạt động can thiệp trợ giúp đối tượng.”

Kỷ niệm ngày công tác xã hội Việt Nam, cũng là dịp để tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề này và phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của dân tộc ta. Đồng thời ghi nhận vai trò và sự đóng góp của những người đang thầm lặng kết nối, sẻ chia, góp phần mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho những hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.